18+ Điểm Du Lịch Cù Lao Chàm Nhất Định Phải Ghé Thăm

Cù Lao Chàm là một cụm đảo thuộc xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, nằm cách bờ biển Cửa Đại khoảng 15km. Năm 2009, nơi này được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Dù từ lâu đã là điểm đến nổi tiếng của dải đất miền Trung nhưng nơi đây vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp hoang sơ với những bãi tắm cát trắng mịn màng trải dài, làn nước trong xanh màu ngọc bích. 

1. Các điểm tham quan nhất định phải ghé thăm tại Cù Lao Chàm

Bạn đang có có kế hoạch lựa chọn Cù Lao Chàm cho kỳ nghỉ hè sắp tới? Vậy thì đừng bỏ qua những địa điểm du lịch Cù Lao Chàm ấn tượng nhất định phải ghé thăm này nhé

1.1 Cầu Cảng Cù Lao Chàm

Từ cảng Cửa Đại (phường Cửa Đại, TP Hội An), nếu đi bằng tàu cao tốc mất khoảng 20 phút là đến Cù Lao Chàm, nếu đi bằng “tàu chợ” thì mất khoảng 1 tiếng đồng hồ là du khách đã đặt chân lên Cù Lao Chàm. Địa điểm đầu tiên bạn không thể bỏ lỡ chính là Cầu Cảng, không gian giúp bạn có được những tấm hình check-in ảo diệu, cực chất.

Cầu Cảng

1.2 Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm

Cù Lao Chàm là khu dự trữ sinh quyển của thế giới nên nếu đến đây bạn đừng quên thăm bảo tàng biển Cù Lao Chàm hay còn gọi là khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm để ngắm nhìn những con cá lạc, cá mú, cá chình điện, tôm hùm mốc…

Tuy không rộng lắm nhưng đây là nơi các bạn có thể tìm hiểu lịch sử hình thành, các phong tục truyền thống, các lễ hội, các sản vật biển… của vùng đảo này, giúp các bạn có cái nhìn toàn cảnh về hòn đảo và con người nơi đây.

Khu bảo Tồn Biển Cù Lao Chàm

1.3 Giếng champa cổ

Giếng Chăm Cổ hay còn có tên khác là Giếng Xóm Cấm, do người Chăm xây dựng hơn 200 năm, nằm tại ngã ba con đường bê tông của khu dân cư xóm Cấm. Giếng cổ Cù Lao Chàm mang đặc trưng của giếng Chăm Pa cổ.

Với kiểu hình ống tròn, thành giếng hình tròn, nền giếng hình vuông. Giếng Xóm Cấm là nguồn cung cấp nước dồi dào cho người dân trong khu vực bởi nó không bao giờ cạn, cho dù là vào mùa khô kiệt nhất.

Giếng Chăm Cổ

Giếng cổ này còn gắn liền với niềm tin rằng nếu ai muốn sinh con theo ý muốn thì hai vợ chồng cùng uống nước giếng (chồng 7 ngụm, vợ 9 ngụm) và cầu nguyện thì sẽ được theo ý muốn hay tìm được người yêu…

1.4 Chùa Hải Tạng

Chùa Hải Tạng được xây dựng vào thời kỳ Cảnh Hưng thứ 19 tức vào năm 1758 ở vị trí cách nơi chùa cũ 200 m về phía bắc. Sau vì do bão gió được làm hư hại nặng và để thuận tiện cho các tín đồ đến làm lễ, nên vào năm Tự Đức 1848 ngôi chùa được di dời về vị trí hiện nay.

Chùa Hải Tạng

 Ở vị trí phong thủy lý tưởng này, chùa tọa lạc ở chân núi phía tây hòn Lao, nhìn thẳng vào núi Bà Mộc như thể hòn xôi án ngự. Phía trước có thung lũng yên bình với cánh đồng lúa xanh mướt. Đối với người dân trên đảo Cù Lao Chàm, chùa Hải Tạng có ý nghĩa tâm linh quan trọng, hầu hết mọi chuyện tâm linh họ đều đến làm lễ tại chùa, cầu bình an và sức khỏe.

1.5 Tịnh xá Ngọc Tuyền

Tịnh xá Ngọc Truyền là một trong 3 ngôi chùa tại vùng biển đảo Cù Lao Chàm vị trí gần Chùa Hải Tạng. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng với tinh thần phụng sự đạo pháp, Đại đức Thích Giác Tấn và tín đồ Phật tử vùng hải đảo qua 5 năm xây dựng đã hoàn thành ngôi tịnh xá rất khang trang và yên tịnh.

Tịnh xá Ngọc Truyền

1.6 Lăng Ông Ngư

Lăng Ông Ngư nằm giữa khu dân cư Bãi Làng, theo hướng Tây Nam, cách bờ biển chừng 10m, lưng dựa vào núi, mặt nhìn ra biển theo thuật phong thủy dân gian truyền thống. Lăng được xây bằng vôi, gạch, san hô với kiểu mái cuốn vòm thấp, sau có hậu tẩm để làm nơi đặt xương cá Ông.

Quan niệm của những người đánh cá cho rằng, cá Ông là vị thần biển có nhân tính, thường xuất hiện cứu vớt những người bị nạn trên biển, là vị cứu tinh kịp thời của dân chúng trên vùng biển mênh mông khi gặp thủy tai, thủy nạn.

Lăng Ông Ngư Cù Lao Chàm

Di tích lăng Ông Ngư ở Cù Lao Chàm đã góp phần minh chứng sự đa dạng phong phú sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cư dân địa phương. Đồng thời còn góp phần làm phong phú loại hình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng của quần thể kiến trúc tại xã đảo Tân Hiệp – Cù Lao Chàm. Di tích đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia vào ngày 13/12/2006.

Hằng năm vào ngày mồng 3-4 tháng 4 âm lịch, tại di tích, cộng đồng ngư dân Cù Lao Chàm long trọng tổ chức lễ cầu ngư theo nghi thức truyền thống nhằm tạ ơn và cầu mong ngài Nam Hải cùng chư thần biển phù hộ, độ trì cho ngư dân làm ăn được bình an, thuyền về tôm cá đầy khoang.

1.7 Đình Tiền Hiền

Đình Tiền Hiền tọa lạc tại xóm giữa, thôn Bãi Làng để thờ các bậc tiền hiền, hậu hiền có công lập làng xã ở Cù Lao Chàm và phối thờ những vị thần bảo trợ cư dân trong cuộc sống thường ngày.

Đình là một di tích có vai trò quan trọng trong hệ thống các di tích tín ngưỡng của các cư dân trên đảo Cù Lao Chàm nên được xây dựng khá quy mô bề thế vào khoảng cuối thế kỷ XVIII bằng các vật liệu sẵn có tại địa phương như vôi, gạch, đá, san hô… Kiến trúc theo lối cuốn vòm, không có cột kèo bằng gỗ. Mái lợp ngói âm dương, bờ nóc trang trí hình “lưỡng long tranh châu”, bờ hồi mềm mại, đầu đao tạo dáng hoa lá, đuôi cá, mặt rồng…

Đình Tiền Hiền

Hằng năm, vào ngày 6/6 âm lịch, người dân Cù Lao Chàm tổ chức lễ cúng tiền hiền, hậu hiền nhằm tưởng nhớ những người có công trong việc tạo lập xóm ấp và cầu mong quốc thái dân an, phong điều vũ thuận.

1.8 Chợ hải sản Cù Lao Chàm

Đến Cù Lao Chàm, khách du lịch không thể bỏ qua chợ hải sản nằm ngay khu vực bến tàu. Chợ bán các hải sản tươi sống đặc sản của vùng biển Cù Lao Chàm ngoài ra còn có đồ hải sản khô, rừng, và cả quà lưu niệm. Khách còn có thể thường hải sản được chế biến ngay tại chổ chủ yếu là nướng hoặc hấp và đừng quên mua về làm quà cho bạn bè người thân.

Chợ hải sản

1.9 Âu thuyền

Âu Thuyền ở Cù Lao Chàm được người dân trên đảo dùng sức lao động tạo nên nhằm một mục đích hết sức cao cả là cho tàu thuyền khắp nơi vào đây tránh bão. Âu thuyền Cù Lao Chàm có diện tích 2ha mới được gia cố sửa chữa năm 2015 đây được xem là âu thuyền kiên cố nhất ở Hội An với sức chứa hàng trăm tàu công suất dưới 200CV.

Âu thuyền

1.10 Sân bay trực thăng

Sân bay này máy bay có thể đáp theo yêu cầu quân sự, và vận chuyển hàng hoá và nhu yếu phẩm khi tàu thuyền không thể đi lại từ đất liền ra đảo Cù Lao Chàm. Với bãi đất rộng trống giúp các bạn có không gian thoải mái check in. Đứng từ trên đây bạn có thể thấy được làn nước trong xanh của biển từ trên cao xuống một khoảng không gian rộng lớn nhưng rất đỗi yên bình.

Sân bay trực thăng

1.11 Biển bãi ông

Bãi Ông là một bãi biển được đánh giá đẹp nhất trên đảo Cù Lao Chàm, nơi đây từ lâu đã là điểm dừng chân của các chương trình tour Cù Lao Chàm. Đến đây, bạn sẽ được đắm mình trong làn nước xanh mát, tận hưởng khung cảnh thơ mộng, bình yên và thỏa thích chụp hình sống ảo.

Bãi ông

1.12 Con đường hoa ngô đồng

Đến với Cù Lao Chàm vào tháng 7, tháng 8 ngoài việc ngâm mình trong làn nước trong xanh của biển cả, thưởng thức hải sản tươi ngon thì lang thang nơi góc núi để chiêm ngưỡng hoa ngô đồng cũng là một trải nghiệm đáng nhớ của chuyến đi.

Đặt chân lên cầu cảng Bãi Làng, bạn cứ men theo con đường bê tông uốn lượn qua các khu vực bãi Làng, bãi Xếp, bãi Bìm và bãi Hương là sẽ bắt gặp.

Con đường hoa ngô đồng

Vì hoa men theo cung đường chính hoặc có các phiến đá vững chãi để tiếp cận nên chúng dễ dàng làm nền cho những bức ảnh check-in thơ mộng của du khách với đủ mọi góc cạnh. Ở bìa Suối Tình (thôn Bãi Làng), quần thể 3 cây ngô đồng cổ thụ được công nhận là cây di sản Việt Nam từ năm 2015 tuổi đời từ 150 đến hơn 200 năm vẫn sừng sững trổ hoa khoe sắc.

1.13 Biển bãi Xếp

Khung cảnh nơi đây hoang sơ, được tạo bởi những hòn đá có hình thù độc đáo. Bãi Xếp luôn là sự lựa chọn cho những ai muốn cảm nhận không gian bình yên, tĩnh lặng, gần gũi với thiên nhiên, biển cả để được thư giãn. Và còn gì tuyệt vời hơn khi được trải nghiệm lặn biển ngắm san hô dày đặc dưới lòng biển.

Bãi Xếp

1.14 Bãi Chồng

Bãi Chồng hiện đang là điểm thu hút khách du lịch dừng chân nhiều nhất khi đến với Cù Lao Chàm. Bãi Chồng có bãi cát biển mịn xếp vào loại bậc nhất trên Hòn Lao, có thảm thực vật xanh mượt với những khe nước tự nhiên đổ xuống từ trên núi cao và những hình đá kỳ thú gợi trí tưởng tượng phong phú. 

Đến đây, du khách sẽ được hòa mình vào làn nước trong vắt và những bãi cát trắng mịn, tham gia các hoạt động vui chơi như lặn ngắm san hô, cắm trại và ăn hải sản.

Bãi Chồng

1.15 Bãi Hương

Bãi Hương có hơn 100 hộ dân cư sinh sống, người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề chài lưới, khai thác hải sản. Làng chài Bãi Hương có tên cổ là Làng Phú Hương, nơi đây vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn truyền thống nghề chài lưới của cư dân vùng biển Cù Lao Chàm.

Bãi Hương

1.16 Tịnh xá Ngọc Hương

Tịnh xá Ngọc Hương nằm ở khu vực bãi Hương có địa thế lưng tựa núi mặt hướng biển. Tịnh xá Ngọc Hương tuy nhỏ nhưng có lịch sử lâu đời và nằm ở vị trí đẹp, sơn thủy hữu tình, gần bãi biển nên được nhiều du khách ghé thăm. Đến ghé thăm chùa bạn còn có thể dùng bữa cơm chay tại đây. Cùng với chùa Hải Tạng, chùa mới được trùng tu và xây dựng thêm một số công trình như Tượng Phật nằm,..

Tịnh xá Ngọc Hương

1.17 Miếu tổ nghề yến

Miếu Tổ nghề Yến thuộc thôn Bãi Hương được xây dựng hoàn chỉnh vào khoảng đầu thế kỷ 19 để thờ tổ nghề Yến và các vị thần bảo hộ nghề Yến. Hằng năm, vào ngày 10.3 âm lịch, cư dân và người làm nghề khai thác yến cả nước tập trung về Cù Lao Chàm để cúng tổ nghề yến với mong muốn thế hệ sau ghi nhớ công đức của bậc tiền nhân sáng tạo ra nghề, đồng thời nhắc nhở thế hệ sau gìn giữ và phát triển nghề yến.

Miếu tổ nghề yến

1.18 Cây đa di sản

Trên đảo Cù Lao Chàm còn có bốn loại cây đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây Di sản Việt Nam. Đó là ba cây ngô đồng đỏ tại dốc suối Tình, thôn Bãi Làng, cây đa ở sườn Đông của Hòn Lao, cây Kén, cây Nánh ở miếu tổ nghề yến, thôn Bãi Hương. Trong đó, cây đa ở sườn Đông, Hòn Lao có tuổi đời lên tới 600 năm. Cây có một thân chính và sáu thân phụ bao quanh, vừa là trụ đỡ thân cây vừa tạo cho tán cây có vẻ đẹp cổ kính, đẹp mắt.

Cây đa di sản

1.19 Eo Gió

Eo gió nằm ở cung đường phía sau của đảo, một bên núi, một bên biển, tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên bức tranh thiên nhiên mang vẻ đẹp say đắm lòng người. Đứng trên những tảng đá lớn, thử thách độ cao và chụp ảnh check-in sẽ là những trải nghiệm thú vị mà bạn không thể bỏ lỡ. Đây củng là địa điểm đẹp nhất để ngắm hoàng hôn và đón bình minh ngày mới.

Eo Gió

Ngoài vẻ đẹp thiên nhiên, con người nơi đây mới thực sự là “món quà quý” mà đảo dành tặng du khách. Sự chân tình, hồn hậu, mến khách và quyết tâm cao trong việc bảo vệ, giữ gìn hệ sinh thái của người dân nơi đây sẽ khiến bước chân những ai trót lãng du tới mảnh đất Cù lao phải quyến luyến lúc rời xa.