Khám Phá Bãi Làng Cù Lao Chàm
Nếu có dịp ghé thăm thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, đảo du lịch Cù Lao Chàm là điểm đến chắc chắn bạn không thể bõ qua. Đến với Cù Lao Chàm là đến với hòn đảo thiên nhiên, thơ mộng xinh đẹp, với môi trường trong lành đã được Unesco công nhận là 1 trong 10 khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam
1. Đảo Cù Lao Chàm
Cù Lao Chàm gồm 8 hòn đảo lớn nhỏ, và hòn đảo đông dân cư nhất đó chính là Hòn Lao, và các khu vực trên đảo được phân chia thành những cái tên như bãi Làng, bãi Bắc, bãi Ông, bãi Hương, bãi chồng, bãi Xếp và bãi Bấc…
2. Bãi Làng Cù Lao Chàm
Khi đặt chân đến với đảo Cù Lao Chàm, địa điểm mà bạn ghé đến đầu tiên không đâu khách là bến cảng Bãi Làng. Đây là bãi biển trung tâm của Hòn Lao, nơi tập trung dân cư đông nhất, buôn bán sầm uất nhất, và cùng là khu trung tâm hành chính chính của đảo du lịch Cù Lao Chàm
2.1 Bãi Làng Cù Lao Chàm có gì?
Trong hành trình của tour du lịch Cù Lao Chàm 1 ngày, Bãi Làng là nơi xuất phát và dẫn đến hầu hết các điểm tham quan di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên đảo như: Giếng cổ Xóm Cấm, chùa Hải Tạng, khu bảo tồn biển…
Sẽ không hiểu hết Cù Lao Chàm nếu không vào Bãi Làng để trải nghiệm cùng ngư dân về cuộc sống bám biển. Khu Bãi Làng là khu dân cư lâu đời nhất trên đảo, biểu hiện sức sống mãnh liệt, trải qua một quá trình đấu tranh sinh tồn của người dân biển đảo trước thiên nhiên khắc nghiệt.
Nơi đây cũng đã phát hiện một di tích là di chỉ cư trú của cư dân Champa vào thế kỷ VII – X sau công nguyên và có đời sống khá phát triển. Qua đó, cho thấy cư dân cổ của Bãi Làng đã sớm có những hoạt động giao lưu thương mại với các thương nhân nước ngoài.
2.2 Các dịch vụ du lịch tại bãi Làng Cù Lao Chàm
Đa số cư dân trước đây đều làm ngư nghiệp, nhiều năm trở lại đây khi tour Cù Lao Chàm nổi lên như một cơn sốt về du lịch nên hầu như cư dân sinh sống tại Bãi Làng chuyển sang làm du lịch như: Mở nhà hàng du lịch, lưu trú homestay, có ngư dân sắm ca nô cao tốc, tàu gỗ vận chuyển khách tour câu cá, câu mực…
Đặc biệt ở bãi Làng, chiếm phần lớn là rừng nguyên sinh điệp trùng ngút tầm mắt rọi xuống đến biển xanh. Bãi Làng Cù Lao Chàm giờ khang trang và hiện đại hơn xưa với nhiều đổi thay về diện mạo. Nhưng sự đông đúc, tấp nập ấy không làm mất đi sự bình yên, mộc mạc của đất đảo cũng như sự chân tình, nồng hậu, hiếu khách của người dân nơi đây.
3. Các điểm tham quan tại Bãi Làng Cù Lao Chàm
3.1 Cầu cảng
Cầu cảng nơi tập kết của các tàu du lịch, ca nô đưa du khách lên đảo tham quan. Quang cảnh xung quanh của cảng Bãi Làng với bãi biển đẹp, tàu thuyền lớn nhỏ nhấp nhô trên mặt nước cùng những ngư dân đánh cá vô cùng thân thiện.
Tên gọi khác là cầu Chữ T một địa điểm chụp hình vô cùng ảo diệu từ 4 phía bạn có thể thoải mái lưu lại những búc hình thật đẹp về làn nước biển trong xanh những rừng cây bao phủ…
Khi ghé đến Bãi Làng – Cù Lao Chàm thì điểm đầu tiên mà bạn đặt chân đến là cầu cảng đấy nên hãy nhớ giữ cho mình một tấm hình thật đẹp nhé.
3.2 Chợ Tân Hiệp – Chợ Hải Sản
Đã đi du lịch Cù Lao Chàm thì nhất định phải ghé chợ Tân Hiệp ở bãi Làng. Đây được xem là khu chợ lớn nhất đảo với vô số những mặt hàng được bày bán.
Bạn có thể mua các loại hải sản từ tươi sống hay phơi khô ở chợ này với giá rẻ hơn trên đất liền. Bạn cũng có thể thưởng thức các món đặc sản Cù Lao Chàm như mỳ quảng, bánh ít lá gai, bánh bèo… ngay tại chợ.
Điểm đặc biệt là chợ Tân Hiệp được chia làm 2 khu riêng biệt. Nếu khu phía trong bán những nhu yếu phẩm hàng ngày cho người dân ở đảo, thì khu ngoài trời được dành riêng cho khách du lịch.
Ngoài các món hải sản đặc trưng, khu chợ ngoài trời cũng bán những món đồ lưu niệm, đồ trang sức bắt mắt được làm từ vỏ sò, ốc, cua,… để khách có thể mua về làm quà.
Điều làm du khách ấn tượng nhất khi đi chợ Tân Hiệp Cù Lao Chàm là hình ảnh các bà, các chị mang giỏ nhựa, đội nón lá ra vào chợ.
Không chỉ mang giỏ nhựa đi chợ, mọi hoạt động giao thương, buôn bán tại đảo đều không sử dụng đến túi ni lông. Bó rau, chùm nho hay nắm ớt, tỏi đều được đựng trong những chiếc túi lưới nhỏ xinh, có thể tái sử dụng nhiều lần.
3.3 Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm
Nhà bảo tồn biển là nơi trưng bày hình ảnh trực quan sinh động về cuộc sống của người dân làng chài, về thông điệp đặc trưng chỉ có ở Cù Lao Chàm đó là không mang túi nilon lên đảo để bảo vệ môi trường, bảo vệ loài động vật Rùa Biển và các rạng san hô.
Có rất nhiều gian trưng bày nhưng đặt biệt là gian thứ nhất đặt chiếc Sa Bàn tái hiện lại toàn bộ Đảo Cù Lao Chàm cho du khách cái nhìn tổng quát nhất.
3.4 Giếng cổ Chămpa
Giếng Cổ Cù Lao Chàm hay còn gọi là giếng Xóm Cấm nằm tại ngã ba con đường bêtông của khu dân cư xóm Cấm. Giếng cổ Cù Lao Chàm mang đặc trưng của giếng Chăm Pa cổ.
Với kiểu hình ống tròn, thành giếng hình tròn, nền giếng hình vuông. Ở mỗi góc có một chậu vuông và diện tích khuôn viên của Giếng là 15m2. Đường kính miệng giếng là khoảng 1,2m độ sâu từ miệng giếng đến đáy giếng khoảng 5m.
3.5 Chùa Hải Tạng
Chùa Hải Tạng được xây dựng lại trên một khoảng đất cao, lưng dựa vào núi, mặt quay ra biển theo hướng Tây Nam, trước mặt là vùng đồng ruộng và các khe nước tự nhiên.
Đến thăm Chùa Hải Tạng, điều đầu tiên khiến du khách ngỡ ngàng chính là bức tường thành bao quanh bằng đá được thiết kế trang nhã với những đường nét hoa văn gọn gàng. Bên trong ngôi chùa còn khá nguyên vẹn.
Đặc biệt là nếp nhà chính có hệ vì kèo kết cấu theo kiểu “chồng rường giả thủ”. Ở mái hiên, dép hoành cách điệu với hình lồng đèn, thân chạm hình hoa lá, đầu là những cánh sen lật đỡ thẳng lên đòn tay, dưới chạm nổi hình đầu rồng.
3.6 Tịnh Xá Ngọc Tuyền
Tịnh xá Ngọc Truyền là một trong 3 ngôi chùa tại vùng biển đảo Cù Lao Chàm được thành lập vào năm 1966. Tịnh xá ẩn mình phía dưới một dãy núi lớn, mặt trước hướng về đất liền.
3.7 Âu Thuyền
Âu Thuyền Cù Lao Chàm nằm giữa khu vực Bãi Làng và Bãi Ông, ban đầu được người dân trên đảo dùng sức lao động tạo nên nhằm tạo ra một nơi neo đậu an toàn cho tàu thuyền khắp nơi vào mỗi khi có gió bão.
Âu thuyền Cù Lao Chàm ngày xưa từng là một thương cảng sôi động và là nơi dừng chân của các thuyền buôn trong nước cũng như quốc tế.
Ngày nay đến đây, du khách được tận mắt ngắm nhìn những con tàu tĩnh lặng dập dềnh sóng nước và có thể thuê một chiếc thuyền đi dạo một vòng quanh đảo.
3.8 Hòn Nhờn
Là một trong những hòn đảo nhỏ trên bản đảo Hòn Lao, thuộc Bãi Làng xã Tân Hiệp, Cù Lao Chàm Hội An.
Đến du lịch Cù Lao Chàm, ngoài tham quan cảnh đẹp của khu dự trữ sinh quyển thế giới này, du khách còn được bơi lặn trong làn nước xanh mát, tản bộ dưới nước.
Hòn Nhờn với những rạn san hô đầy màu sắc có thể được nhìn thấy từ dưới đáy biển. Du khách có thể thoải mái lựa chọn các phương thức lặn ngắm san hô tại biển Hòn Nhờn ở Cù Lao Chàm.
3.9 Miếu Bà Bạch
Miếu Bà Bạch (còn gọi là lăng Bà Bạch, lăng Bà Lớn), toạ lạc trên sườn núi nằm sát biển, mặt tiền xoay hướng Tây Nam, thuộc thôn Cấm, được xây dựng khoảng cuối thế kỉ XIX.
Miếu thờ Bạch Thổ Kim Tinh và một số nữ thần thuộc ngũ hành. Miếu gồm chính điện và hậu tẩm có kiến trúc cuốn vòm như một hang động, mái ngói nói âm dương, bờ nóc trang trí dề tài lưỡng long triều dương, hoa lá.
3.10 Đình Tiền Hiền
Đình Tiền Hiền tọa lạc tại xóm Giữa, thôn Bãi Làng được xây dựng khá lâu, khoảng cuối thế kỷ thứ 18, đầu thế kỷ 19. Đây là một di tích có vai trò quan trọng trong hệ thống các di tích tín ngưỡng của các cư dân trên đảo Cù Lao Chàm nên được xây dựng khá quy mô bề thế.
Đình Tiền Hiền chủ yếu được xây dựng bằng các vật liệu sẵn có tại địa phương như vôi, gạch, đá, san hô… Kiến trúc theo lối cuốn vòm, không có cột kèo bằng gỗ. Mái lợp ngói âm dương, bờ nóc trang trí hình “lưỡng long tranh châu”, bờ hồi mềm mại, đầu đao tạo dáng hoa lá, đuôi cá, mặt rồng…
3.11 Lăng Ông Ngư
Lăng Ông Ngư được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX nằm giữa khu dân cư Xóm Đình thuộc thôn Bãi Làng. Lăng Ông Ngư được kiến tạo theo lối kiến trúc truyền thống với kiểu mái cuốn vòm thấp, sau có hậu tẩm, mái lợp ngói âm dương, trên các bờ mái trang trí đề tài tứ linh, chim phượng, quy thư.
Trước sân có bình phong đắp hình tượng “Thần Ngư hí nguyệt” (Cá vui đùa với mặt trăng). Đây là di tích không những phản ánh tín ngưỡng của cư dân làm nghề biển mà còn cho thấy sự phong phú về sắc thái văn hoá của nhân dân vùng đảo Cù Lao Chàm.
Hằng năm vào ngày mồng 3-4 tháng 4 âm lịch, tại di tích, cộng đồng ngư dân Cù Lao Chàm long trọng tổ chức lễ cầu ngư theo nghi thức truyền thống nhằm tạ ơn và cầu mong ngài Nam Hải cùng chư thần biển phù hộ, độ trì cho ngư dân làm ăn được bình an, thuyền về tôm cá đầy khoang.
3.12 Sân bay trực thăng Cù Lao Chàm
Là sân bay trực thăng duy nhất trên đảo. Từ bến cảng, vòng theo hướng qua bến tàu thuyền neo đậu tránh bão bạn sẽ đến bãi đáp trực thăng dùng làm nơi trực thăng dân dụng và trực thăng chuyên chở khách du lịch lên đảo.
Đứng trên sân bay phóng tầm nhìn ra xa du khách sẽ có cái nhìn bao quát về Đảo Cù Lao Chàm hoang sơ đẹp đến ngỡ ngàng. Đây cũng là một trong những điểm check in hot nhất khi đến với Cù Lao Chàm.
3.13 Đêm bolero bãi Làng Cù Lao Chàm
Vào những ngày thứ 7, chủ nhật hàng tuần thì tại Bãi Làng Cù Lao Chàm sẽ tổ chức chương trình đêm Cù Lao với nhiều hoạt động hấp dẫn.
Một trong những hoạt động thu hút du khách đó là chương trình hát cho nhau “Hát cùng Bolero” với những giai điệu Bolero thể hiện sự thân thiện gần gũi với người dân đảo với du khách thập phương.
Bãi Làng một điểm đến không thể bỏ qua trong các hành trình Tour Cù Lao Chàm của mọi công ty lữ hành. Bãi Làng nơi có những sự tiếp đón nồng hậu của người dân chân chất thật thà, nơi chứa đựng những nét cội nguồn tinh túy của xa xưa chắc hẳn sẽ níu kéo chân bạn lòng không muốn rời khi đến với hòn đảo Cù Lao Chàm xinh đẹp.