Tìm hiểu các loại cây di sản trên đảo Cù Lao Chàm

Không nơi đâu lôi cuốn như Cù Lao Chàm bởi vẻ đẹp hòa nguyện giữa cái hùng vĩ của núi rừng và nét quyến rũ của làn sóng biển trong xanh. Một nơi với sự hiện hữu đầy đủ các sinh cảnh đặc trưng của các hệ sinh thái cả trên cạn và dưới nước.

Cây đa 100 tuổi trên đảo Cù Lao Chàm

Đặc biệt trên đảo Cù Lao Chàm có bốn loại cây đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây Di sản Việt Nam vào năm 2014. Cây di sản Cù Lao Chàm gồm: ba cây ngô đồng đỏ tại dốc suối Tình thôn Bãi Làng, cây đa núi ở sườn Đông của Hòn Lao, cây Kén cây Nánh ở miếu tổ nghề yến thôn Bãi Hương.

Xem chi tiết >>> Cây đa 100 năm tuổi trên đảo Cù Lao Chàm

Cây đã chứng kiến sự đổi thay từng ngày trên vùng đất xã đảo, đó là người bạn, niềm trân trọng mà người dân nơi đây gìn giữ bấy lâu nay. 

Giá trị nhất là cây đa núi ở sườn Đông đảo Hòn Lao có tuổi đời lên tới 600 năm. Cây đa có tên khoa học Ficus altissima BL, thuộc họ dâu tằm. Cây có một thân chính và 6 thân phụ to lớn phân bố ở 3 phía Đông, Tây, Bắc của cây, trở thành hệ thống chống đỡ đẹp mắt, tạo điều kiện cho tán cây tỏa rộng.

Cây đa núi ở sườn Đông đảo Hòn Lao hơn 600 tuổi

Cây ngô đồng thường được gọi là ngô đồng đỏ do có những cánh hoa đỏ rất ấn tượng. Ba cây ngô đồng được gắn biển di sản có tuổi đời từ 155 đến 250 năm là loài cây bản địa quý hiếm, rất ít gặp tại các địa phương khác ngoài hòn đảo miền Trung này. Cứ đến tháng 7, tháng 8, các cánh rừng ở Cù Lao Chàm lại rực lên sắc đỏ của hoa ngô đồng, tạo nên nét quyến rũ riêng cho xã đảo.

Xem thêm >>> 18+ điểm tham quan đẹp nhất tại đảo Cù Lao Chàm

Cây ngô đồng có tuổi đời từ 155 đến 250 năm

Ngoài giá trị trang trí cảnh quan, loài cây này đã gắn bó với cuộc sống của cư dân trên đảo suốt nhiều thế kỷ qua. Vỏ cây được người dân dùng làm sợi đan võng, hạt ngô đồng cũng là một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng rất cao với nhiều vitamin và khoáng chất.

Khách du lịch chụp hình với hoa Ngô Đồng Cù Lao Chàm

Khách du lịch chụp hình với hoa Ngô Đồng Cù Lao Chàm

Hai cây Nánh và Kén đều nằm trong sân miếu Tổ nghề yến ở Bãi Hương chừng 200 năm tuổi, tán lá sum sê, che mát cả sân miếu. Cây Kén nằm ở bên phải sân miếu, có tên gọi khác là Kên, Nuốt cò ke, tên khoa học là Casearia grewiaefolia Vent.var. deglabrata Koord &Val, thuộc họ Mùng quân.

Cây cao chừng 18m, chu vi cây ở vị trí 1,3m là 2,89m, tương đương với đường kính là 0,92m. Cây phân cành thấp thành 2 nhánh ở độ cao 2,2m, cành và lá non nhẵn không lông, lá đơn nguyên, mọc cách, hoa nhỏ màu xanh vàng.

Cây Nánh và Kén nằm trong sân Miếu Tổ Nghề Yến ở Bãi Hương

Cây Nánh nằm ở bên trái sân miếu, có tên gọi khác là Mát đen, Thàn mát rủ, Thàn mát nước, tên khoa học là Millettia nigrescens Gagnep, thuộc họ Đậu Cánh bướm. Cây cao chừng 16m, chu vi cây ở vị trí 1,3m là 1,94m, tương đương với đường kính là 0,62m. Lá kép lông chim, mọc cánh, màu xanh tươi khi còn non, gân có lông ở hai mặt. Hoa ở nách lá đầu cành, dài đến hơn 15cm, màu tím nhạt.

Hai cây cổ thụ làm cho miếu Tổ nghề yến thêm cổ kính, uy nghiêm đồng thời tỏa bóng mát làm nơi nghỉ chân cho ngư dân sau chuyến biển khơi xa, cho những bà nội trợ đan lưới, sửa mành và chỗ cho trẻ con vui chơi, dân làng tụ tập trao đổi chuyện làng, chuyện xóm tạo mối gắn kết cộng đồng. Vào mùa hoa, những chùm hoa tim tím trổ dày trên từng cành lá cây Nánh di sản gợi một cảm giác quyến rũ, ấn tượng khó quên trong lòng du khách khi có dịp được thưởng ngoạn.

Các cây di sản Cù Lao Chàm được xem là sự vinh danh ghi nhận những giá trị độc đáo, tiêu biểu về cảnh quan môi trường sinh thái của đảo, qua đó góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm bảo vệ môi trường, thiên nhiên, bảo tồn và phát huy tiềm năng du lịch của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An. Nếu có dịp đến Cù Lao Chàm bạn đừng quên dành thời gian tham quan các cây di sản này nhé.