Thơm ngon bánh Su Sê Cù Lao Chàm
Cùng với bánh ít, bánh su sê là loại bánh đặc sản nổi tiếng ở Cù Lao Chàm. Ngày xưa, những loại bánh này thường được làm trong dịp lễ, Tết để cúng ông bà; làm quà biếu trong những dịp hiếu hỉ. Nhưng từ khi du lịch phát triển bánh được người dân địa phương làm quanh năm, nhờ hương vị thơm ngon, bánh su sê Cù Lao Chàm đã trở thành một món ăn, thứ quà không thể thiếu của du khách khi đến tham quan đảo.
Nghề làm bánh su sê Cù Lao Chàm trải qua nhiều công đoạn, nhiều khâu chủ yếu bằng thủ công, vì thế rất tốn công, đòi hỏi người làm phải chịu khó và phải có kinh nghiệm. Nguyên liệu chỉ là những sản vật gắn liền với cuộc sống của người dân như tinh bột sắn, dừa nạo, đậu xanh… nhưng để chế biến sao cho hài hòa, độc đáo là bí kíp riêng.
Trước tiên là phải chọn những củ sắn tươi ngon, xay mịn lọc lấy phần tinh bột. Ngày nay, các hộ gia đình làm bánh su sê thường làm trước phần tinh bột để dự trữ trong nhà, khi làm bánh những bát bột trắng tinh, thơm mùi sắn này được hòa với nước tạo thành lớp áo bên ngoài.
Nhưng, điểm độc đáo ở Cù Lao Chàm là bánh su sê có màu vàng nhạt đặc trưng bởi người dân xứ đảo lấy quả dành dành, lọc lấy nước màu vàng tươi hòa với bột, sau đó trộn thêm dừa nạo sợi. Dừa nạo cũng được chọn từ những trái không quá già để có độ giòn mà vẫn ngọt.
Công đoạn quan trọng nhất là nấu bột. Bột được hòa với nước theo một tỷ lệ nhất định, cho đường vào, khuấy tan đường. Kế tiếp cho dừa nạo vào rồi bắc lên bếp nấu với lửa nhỏ, khuấy đều tay cho đến khi bột sánh lại, ở dạng nửa sống nửa chín, có thể chảy thành dòng chứ không đặc là được. Quá trình hòa bột đòi hỏi người thợ làm bánh phải rất tỉ mỉ để bột tan đều trong nước, không vón cục.
Phần nhân cũng không kém công phu. Đậu xanh ngâm cho mềm, đãi sạch vỏ rồi hấp chín. Tán nhuyễn, cho đường vào rồi bắc lên bếp nấu với lửa nhỏ đến khi hỗn hợp đặc quánh lại không dính tay là được. Khi đậu đã chín, thợ bánh sẽ nắm thành những miếng nhỏ bằng đầu ngón tay để thuận tiện hơn cho quá trình gói.
Sau khi làm da bên ngoài và nhân xong, bắt đầu gói bánh. Bắt từng cái bánh (da bên ngoài), bỏ nhân đậu xanh vào, khi gói thoa dầu phụng vào tay cho khỏi bị dính bánh và cho bánh mướt, rồi dùng lá chuối gói, cột dây lại (cột bằng lá chuối). Cột dây là điểm để phân biệt giữa bánh su sê và bánh ít (bánh ít không cột dây). Khi công đoạn gói hoàn thành, cho bánh vào nồi hấp lớn nấu qua một tuần hương (khoảng 25-30 phút). Nếu hấp bánh số lượng lớn, thời gian có thể lâu hơn tùy vào kinh nghiệm của mỗi người.
Khi hấp bánh phải canh sao cho bột không chín quá vì sẽ làm mất đi độ dai của bột nhưng cũng không được để bột bị sống. Nấu cho đến khi thấy bột trong vắt, nổi lên màu vàng óng của phần nhân ở giữa là được.
Căn một miếng bánh su sê bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt dai dai của bột, sần sật của dừa, ngọt thanh của đậu xanh khiến ta muốn ăn thêm cái nữa.
Ngay khi vừa đặt chân lên đảo, du khách sẽ bắt gặp những rổ bánh ít, bánh su sê ở những gánh hàng rong từ các bà, các chị được bày bán ngay tại cầu cảng. Nếu có dịp ghé thăm Cù Lao Chàm, du khách đừng quên thưởng thức món bánh su sê giản dị, mà tính tế, mang đậm hương vị biển đảo này nhé.