Bánh Ít Lá Gai Cù Lao Chàm Hương Vị Đậm Đà Khó Quên

Nhắc đến đặc sản Cù Lao Chàm, bên cạnh các loại Mực một nắng, Cua đá, Bào ngư, Rau rừng, Yến sào… Người ta không thể không nhắc đến bánh ít lá gai. Ngày xưa bánh ít lá gai Cù Lao Chàm chỉ xuất hiện trong các dịp hội, và ngày tết cổ truyền trên đảo

Tuy là món ăn vô cùng dân dã mộc mạc nhưng không biết từ bao giờ bánh ít lá gai đã trở thành đặc sản của mảnh đất nơi đây. Ngày nay, du khách gần xa tham gia tour ghép Cù Lao Chàm đều được thưởng thức món này trong thực đơn ăn trưa tại nhà hàng.

Đặc sản bánh ít lá gai Cù Lao Chàm hấp dẫn khách du lịch

Đặc sản bánh ít lá gai Cù Lao Chàm hấp dẫn khách du lịch

1. Bánh ít là gai Cù Lao Chàm đặc sản nổi tiếng

Để có những cái bánh ít thơm ngon, mềm dẻo phải trải qua nhiều công đoạn đòi hỏi người làm bánh cần tỉ mỉ, khéo léo trong từng công đoạn.

2. Cách làm bánh ít lá gai Cù Lao Chàm

Bánh ít lá gai Cù Lao Chàm được chế biến khá cầu kỳ và rất công phu, món ăn này đã đốn tim hàng triệu du khách đi đã thưởng thức. Một lần đặt chân đến đảo mà chưa thưởng thức món dân dã này thật là uổng phí.

2.1 Chọn lá gai Cù Lao Chàm

Đầu tiên phải chọn loại lá gai tươi, không quá non hoặc quá già, nguyên liệu này có sẵn trên đảo. Người nấu bánh phải vào tận rừng trên đảo để tìm bằng được những gùi lá gai xanh đậm.

2.2 Các chế biến lá gai

Lá đem về tước bỏ sống lá, rửa sạch, sau đó vớt ra cho vào rổ thưa cho ráo để luộc. Theo kinh nghiệm của người dân, đun nước luộc lá gai bằng lửa rơm, rạ thì tốt hơn vì có mùi khói đồng, mùi khói ấy lèn vào lá làm cho chiếc bánh đậm hương vị quê nhà hơn.

Lá sau khi thật mềm nhanh tay vớt ra, để nguội, vẩy cho thật ráo nước. Xưa dùng cối đá giã lá gai nhưng hiện nay lá được nghiền mịn nhuyễn bằng máy. Lá được nghiền càng mịn nhuyễn, bánh sẽ càng ngon. Lá gai giúp cho bánh có màu xanh đen và mang lại hương vị rất đặc trưng.

Lá gai giúp cho bánh có màu xanh đen và mang lại hương vị rất đặc trưng

2.3 Cách chế biết bột bánh ít lá gai

Công đoạn tiếp theo là quết bột bằng cách trộn đều bột nếp (loại bột nếp lúa mới, vừa thơm vừa dẻo) sau đó quết hỗn hợp bột với lá gai đã giã mịn. Khâu quết bột quyết định bánh có ngon hay không.

Phải quết thật kỹ, nếu không hỗn hợp bột sẽ bị lợn cợn làm bánh không mịn. Sau khi quết, trộn đều nước đường tỉ lệ vừa ăn với hỗn hợp bột và lá gai, nhồi kỹ lần nữa cho thật mịn bóng.

2.4 Cách làm nhân bánh ít lá gai

Phần nhân bánh, nguyên liệu chính là đậu xanh. Đậu xanh bóc vỏ, rửa sạch hấp chín rồi cho đường vào quết nhuyễn, để nguội và viên thành từng viên tròn.

Tuy nhiên, để có được chiếc bánh ít ngon như ở vùng đảo Cù Lao Chàm, phần nhân bánh không chỉ thuần túy làm bằng đậu xanh mà còn trộn chung với dừa nạo sợi trụng qua nước sôi để ráo và không quên nhỏ thêm vài giọt dầu hoa bưởi.

2.5 Công đoạn gói bánh ít là gai

Công đoạn tiếp theo là gói bánh. Lá dùng để gói bánh là lá chuối chát (chuối hột) vì có độ mềm dẻo. Khi xưa lá chuối có sẵn trên đảo nhưng nay do làm nhiều bánh nên phải mua thêm lá từ đất liền. Từng cục bột nếp lá gai  được dàn mỏng, cho nhân vào bên trong và vo tròn lại.

Cách gói bánh ít lá gai Cù Lao Chàm: 

  • Cách gói bánh cũng cần có kinh nghiệm bởi nếu không thì bánh bị xì khi hấp và không ngon.
  • Người ta lót hai miếng lá chuối, hai đầu lá nằm ngược nhau.
  • Chỉ cần vài ba động tác khéo léo từ đôi bàn tay người thợ là đã có những chiếc bánh ít lá gai hình tam giác, hình tháp xinh xắn.

2.6 Cách hấp bánh ít lá gai

Bánh gói xong, đặt bánh vào vĩ tre rồi cho vào nồi hấp cách thủy khoảng 1 tiếng là bánh chín. Vớt ra để ráo là có thể dùng được. Khâu hấp bánh tưởng đơn giản nhưng cũng khá kỳ công và quyết định chất lượng bánh.

Bánh phải xếp thưa, không quá hai chồng để dễ chín đều. Một số người dân làm bánh cho biết, bánh được hấp bằng củi “Lao” sẽ rất ngon.

Bánh sau khi hấp chín

Chiếc bánh khi chín lá vỏ màu xanh thẫm, mùi lá gai thơm thoang thoảng. Vừa mở bánh ra, mùi của lá gai dâng lên thơm lạ. Nhẹ nhàng cắn vào lớp da lá gai đen bóng, dẻo, thơm ta bắt gặp vị bùi, ngọt của đậu xanh giã nhuyễn ở cái nhân vàng óng bên trong.

Ăn, ngẫm nghĩ mới thấy hết cái dẻo, cái ngon của bánh ít lá gai, cái thơm mềm của bột của đậu xanh, hòa quyện trong hương thơm đặc biệt khiến ta ăn một miếng, lại muốn ăn thêm một miếng nữa.

Hương vị đặc trưng rất riêng của xứ Cù Lao

3. Các loại bánh ít lá gai Cù Lao Chàm

Để tạo sự da dạng, phong phú cho người thưởng thức, người dân Cù Lao tự tạo cho mình thêm món bánh ít mặn hoặc lạc (chay). Cách làm bánh ít mặn về cơ bản cũng giống như bánh ít lá gai nhưng nguyên liệu làm bánh có sự khác nhau.

Bột nếp được chọn làm bánh phải là loại bột nếp thơm, dẻo được nhồi mịn với nước ấm. Nhân bánh vẫn là đậu xanh, bên cạnh đó còn có thêm nấm mèo, cà rốt,… thịt heo nếu là bánh mặn, ướp các nguyên liệu này với gia vị muối, đường, bột ngọt, tiêu… sau đó bắt lên bếp xào chín.

Đậu xanh đã bóc vỏ, hông chín, giã mịn trộn các nguyên liệu đã xào, viên thành từng viên tròn. Nguyên liệu dùng gói bánh và cách gói, hấp tương tự như bánh ít lá gai. Khi ăn, mùi thơm dẻo của nếp cộng vị bùi bùi của đậu xanh, giòn giòn của cà rốt, nấm, vị ngọt dai của thịt làm ta không thể nào quên món bánh rất riêng nơi xứ đảo.

Đặc sản bánh ít Cù Lao Chàm không cầu kỳ mỹ vị như các loại bánh khác nhưng loại bánh này lại mang một hương vị đặc trưng rất riêng của núi rừng biển cả. Mỗi du khách khi đến đảo Cù Lao Chàm nhất định phải thưởng thức những chiếc bánh ít hay tận mắt chứng kiến cách làm bánh rồi mua về làm quà cho người thân.

Tại Cù Lao Chàm, bánh ít bán theo từng chục (10 cái) với giá rất bình dân. Bước chân lên đảo du khách dễ dàng thấy các bà, các cô ngồi ngay ngắn bên vệ đường bán bánh, ai cũng hiền hòa dễ chịu. Có lẽ vì thế mà đã tạo nên hương vị mặn mà riêng cho bánh ít lá gai nơi đây.