Chùa Hải Tạng – Điểm Du Lịch Tâm Linh Nổi Tiếng Cù Lao Chàm

Chùa Hải Tạng là ngôi cổ tự duy nhất trên Cù Lao Chàm, với rất nhiều truyền thuyết bí ẩn về sự ra đời của ngôi chùa này. Đây là nơi gửi gắm niềm tin, tín ngưỡng của những ngư dân đang sinh sống và làm việc trên đảo.

Đặc biệt Chùa Hải Tạng còn sở hữu và lưu giữ quả chuông cổ có niên đại từ xa xưa, độc nhất vô nhị tại Việt Nam

Chùa Hải Tạng trên đảo Cù Lao Chàm

Đến Cù Lao Chàm, du khách không chỉ được khám phá hệ sinh thái rừng, biển nguyên sơ hay thưởng thức hải sản tươi ngon, mà còn có thể tham quan chiêm bái chùa Hải Tạng hơn 250 năm tuổi.

Chùa Hải Tạng nhìn từ khu dân cư Cù Lao Chàm (Ảnh: sưu tầm)

1. Đến Chùa Hải Tạng Cù Lao Chàm bằng cách nào?

Đây là ngôi cổ tự với kiến trúc văn hóa Phật giáo độc đáo tiêu biểu cho vùng đất linh thiêng nằm ở phía đông Tổ quốc và đã được xếp hạng di tích lịch sử – văn hoá cấp quốc gia vào năm 2006.

1.1 Di chuyển đến Cù Lao Chàm bằng ca nô cao tốc

Nằm cách biển Cửa Đại khoảng 18km, để đến được chùa Hải Tạng trên đảo Cù Lao Chàn, từ Cảng Cửa Đại bạn có thể di chuyển bằng tàu gỗ mất 1 tiếng hay đi ca nô chỉ khoảng 20 phút hoặc đặt tour Cù Lao Chàm tham quan trọn gói của các công ty du lịch.

Chùa Hải Tạng nhìn từ trên cao

1.2 Bách bộ từ cầu cảng đến Chùa Hải Tạng

Tàu cập bến tại Bãi Làng, du khách đi bộ men theo con đường nhỏ, ngoằn ngoèo đến xóm Cấm, cách bến thuyền khoảng 300 m theo chỉ dẫn của hướng dẫn viên hay người dân là sẽ thấy chùa Hải Tạng cổ kính trầm mặc hiện ra. Trên đường đi, du khách thấy cảnh dân cư làng chài đang sơ chế và bán hải sản rất nhộn nhịp.

Trước mặt Chùa Hải Tạng là khu vực trồng lúa trên đảo Cù Lao Chàm (Ảnh: sưu tầm)

2. Tổng quan Chùa Hải Tạng Cù Lao Chàm

Chùa Hải Tạng là công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng thờ Phật kết hợp thờ thần thánh nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân trên đảo Cù Lao Chàm nói riêng và cho thương thuyền các nước ghé vào hành lễ với cầu mong được phù hộ trên con đường làm ăn của họ.

Theo sử gia phương Tây, Cù Lao Chàm từng tồn tại một cảng rất cổ, có trước Đà Nẵng, để tàu thuyền ngoại quốc như Bồ Đào Nha, Trung Hoa, Nhật Bản… đổ hàng vào Trà Nhiêu, Hội An.

Không gian yên bình Chùa Hải Tạng Cù Lao Chàm

2.1 Thời gian xây dựng chùa Hải Tạng

Chùa được xây dựng vào thời kỳ Cảnh Hưng thứ 19 tức vào năm 1758 ở vị trí cách nơi chùa cũ 200 m về phía bắc do ngài Hương Hải thiền sư khai sơn, ban đầu chỉ là một am tranh nhỏ để Ngài làm nơi ẩn nấu tu hành. Đến đệ tử đời thứ 4 của Ngài là Hải Lượng Đại sư đã vận động xây dựng chùa lấy tên là Hải Tạng.

Sau vì do bão gió được làm hư hại nặng và để thuận tiện cho các tín đồ đến làm lễ, nên vào năm Tự Đức 1848 ngôi chùa được di dời về vị trí hiện nay và tiếp tục được sửa chữa, tôn tạo khang trang hơn. 

Cổng tam quan đầy rêu phong nhuộm màu thời gian

Ở vị trí phong thủy lý tưởng này, chùa tọa lạc ở chân núi phía tây hòn Lao, nhìn thẳng vào núi Bà Mộc như thể hòn xôi án ngự. Phía trước có thung lũng yên bình với cánh đồng lúa xanh mướt, khu dân cư và mờ xa về đất liền là Đô thị cổ Hội An.

2.2 Truyền thuyết chùa Hải Tạng

Xung quanh câu chuyện xây chùa có nhiều huyền thoại bí ẩn. Tương truyền các cây cột được làm từ ngoài Bắc đem về làm một chùa nào đó trong Nam nhưng khi về đến Cù Lao Chàm vì trời tối nên phải neo ghe nghỉ lại.

Sáng ra, ghe kéo neo đi tiếp, nhưng thật lạ lùng, biển tự dưng sóng dậy, ghe cứ xà quần, tới lui lòng vòng không đi ra khỏi Lao. Sau có người trong đoàn lên cúng xin keo mới biết dàn cột này phải để lại dựng chùa cho Cù Lao Chàm không được đem đi.

Những đóa sen trước chùa nở rộ, khoe hương sắc (Ảnh: sưu tầm)

Vì thế chùa dựng lên lấy tên là Hải Tạng. Hải là biển, Tạng là kinh, ý nói Chùa là nơi hội tụ kinh tạng mênh mông như biển. Một ý khác là Kinh Tạng của Nhà Phật đây được hội tụ từ mọi con đường trên biển.

Dù thiên nhiên khắc nghiệt và phải đương đầu với gió bão hàng trăm năm qua nhưng đến nay công trình vẫn sừng sửng vững vàng bề thế. Tuy nhà Tây đã bị sập hoàn toàn, nhà Đông còn lại phần kiến trúc chính nhưng toàn bộ di tích vẫn toát lên vẻ hào sảng uy nghiêm hiếm thấy ở các di tích khác. 

2.3 Kiến trúc chùa Hải Tạng

Đến thăm Chùa Hải Tạng, điều đầu tiên khiến du khách ngỡ ngàng chính là cổng tam quan đầy rêu phong nhuộm màu thời gian. Tam quan với lối kiến trúc xưa gồm 4 trụ biểu cao 5m, chóp trụ có khối hình hoa sen, rộng 1,5m.

Cổng Tam quan được chia làm ba, với hai lối vào nhỏ và một lối vào lớn được thiết kế theo kiểu mái vòm, bờ nóc, bờ hồi đắp nổi nhiều đường nét uốn lượn mềm mại, uyển chuyển và bên trên lợp ngói âm dương.

Cổng chùa nhìn từ phía trong

Kết nối cổng tam quan là bức tường thành bằng đá bao bọc xung quanh được thiết kế trang nhã với những đường nét hoa văn gọn gàng bao quanh lấy khu vực và cả khuôn viên của ngôi chùa. 

Theo lời kể của người dân trên đảo, trước đây khu này là rừng rậm với nhiều trăn và rắn độc. Vì thế, tường thành bao bọc xung quanh chùa được xây bằng đá để đảm bảo an toàn.

Phía trước sân chùa là tượng Bồ tát Quan Âm đứng trên đài sen giữa lòng hồ sen nhỏ, mặt hướng về phía biển Đông như che chở cho cuộc sống an lành của những ngư dân nơi đây.

Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát đứng trên đài sen phía trước ngôi chùa (Ảnh: sưu tầm)

Mùa hè những đóa sen trước chùa cũng đã bắt đầu nở rộ, khoe hương sắc giữa màu xanh núi rừng trên đảo. Hương thơm ấy, khiến cho những ai đã từng đặt chân đến ngôi chùa này dù mới chỉ một lần sẽ đều không quên được cảm giác thư thái, bình yên.

Trong là một khoảng sân rộng vừa để làm nơi tập trung thiện nam tín nữ trong các ngày đại lễ, vừa tạo không gian thoáng đãng cho ngôi chùa.

Bên trong sân Chùa Hải Tạng Cù Lao Chàm

Chánh điện được xây dựng khá quy mô với nhiều hàng cột bằng gỗ lim cao lớn, khung chịu lực chính là hệ kèo “chồng rường giả thủ” chia khoảng cách làm 3 lòng, tạo cho không gian ngôi chùa càng thêm rộng rãi.

Hầu hết các kèo gỗ được chạm trổ nhiều đồ án, hoa văn tinh xảo vừa để trang trí tăng vẽ thẩm mỹ, vừa làm giảm đi sự cao to nặng nề của toàn bộ khung chịu lực bên trong. Kiến trúc bên trong ngôi chùa còn khá nguyên vẹn.

Lùi vào mái hiên khoảng 2,5m là hệ thống cửa (thường khép kín), thượng song hạ bản, gồm 3 bộ, mỗi bộ 4 cánh ngăn không gian bên ngoài với không gian nội thất.

Chánh điện chùa Hải Tạng Cù Lao Chàm

Nội thất chính điện lộng lẫy nhờ hệ thống hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng, uy nghiêm, huyền ảo thiêng liêng nhờ hệ thống tượng thờ đồ sộ trên những bàn hương án tả hữu, trước sau như những mạch tiếp nối huyền bí thâm sâu. 

Du khách cầu nguyện bên trong chánh điện Chùa Hải Tạng (Ảnh: sưu tầm)

Bên trong chánh điện, gian giữa thờ 3 pho tượng Tam thế Phật. Gian bên trái (từ chùa nhìn ra) thờ Địa Tạng Vương Bồ tát. Gian bên phải thờ Tam thánh Quan Công, Lưu Bình và Châu Xương. Ngoài ra, hai bên chánh điện thờ Long thần, Hộ pháp và tấm bia đá khắc bằng chữ Hán.

Phía sau chánh điện là bàn thờ Tổ sư Đạt Ma, với dáng ngồi bán già, tay cầm cuốn thư. Tất cả các pho tượng đều làm bằng gỗ, sơn son thếp vàng, có niên đại cùng với ngôi chùa.

Tượng Đức Phật uy nghiêm (Ảnh: sưu tầm)

2.4 Nơi lưu giữ quả đại hồng chuông có 1 không 2 tại Việt Nam

Ngoài ra, chùa còn lưu giữ một quả đại hồng chung lớn, trên chuông có điêu khắc “Song long triều dương”. Điều đáng chú ý là con rồng ở trên chuông chân chỉ có 4 ngón, dáng cong, có vẩy, đầu rồng uyển chuyển, râu rất dài.

Đây là con rồng mang phong cách những năm đầu của thời Lê sơ, như vậy quả chuông này có thể còn có trước niên đại xây dựng chùa.

Đến nay chùa vẫn lưu giữ khá nguyên trạng kết cấu kiến trúc, mỹ thuật (Ảnh: sưu tầm)

Theo Trung tâm quản lý bảo tồn di tích Hội An, do chùa Hải Tạng còn lưu giữ khá nguyên trạng kết cấu kiến trúc, mỹ thuật; kèm theo đó chùa có cách bố trí tượng thờ của thời kỳ Tam giáo đồng nguyên nên nơi đây chính là nguồn cung cấp nhiều thông tin quý giá về lịch sử hình thành cộng đồng cư dân ở Cù Lao Chàm.

Chùa Hải Tạng trước đây có Sư trụ trì, nhưng hiện nay không còn, thay vào đó là Ban trị sự địa phương quản lý. Hiện, trông giữ chùa là một cặp vợ chồng già sinh sống ở gian nhà nhỏ bên cạnh. Ngày ngày, họ vào rừng cắt đủ loại lá cây về phơi khô để bán cho du khách mang về đất liền nấu nước uống thay trà, có mùi thơm rất đặc trưng…

2.5 Các ngày lễ tại chùa Hải Tạng

Cũng như bao ngôi chùa khác, hàng năm ở đây thường tổ chức những ngày lễ lớn của Phật giáo như ngày 15/1 cúng Cầu an, 15/4 lễ Phật đản, 15/7 lễ Vu Lan; vào các ngày 19/2, 19/6, 19/9 lễ vía Quan thế âm. Còn sinh hoạt của Phật tử tại đây diễn ra vào chiều thứ 7 hàng tuần, mọi người đến đọc kinh niệm phật và sinh hoạt.

Chùa Hải Tạng đơn sơ như một ngôi cổ tự hoang trong đất liền, chỉ một vài tượng chính, không vàng mã, điện đèn, không sư sãi… nhưng khách hành lễ vẫn nườm nượp.

Người ta chẳng cầu nhiều, cầu giàu, cầu hơn mà cầu cho mọi thứ thật đơn giản, sự đơn giản tránh được những mâu thuẫn, nghi ngờ hoặc đố kỵ nhau, cũng như nhờ sự giản dị mà mấy trăm năm nay chùa tồn tại trong lòng dân đảo.

Khuôn viên chùa Hải Tạng có nhiều cây xanh rợp bóng mát (Ảnh: sưu tầm)

Đi tour du lịch Cù Lao Chàm, bạn nhất định phải ghé thăm chùa Hải Tạng cổ kính để lắng nghe những câu chuyện truyền thuyết cùng không khí linh thiêng trên vùng đất hoang sơ này.

Sự hiện hữu của ngôi chùa đã tô điểm thêm khung cảnh đảo Cù Lao Chàm trở nên nhẹ nhàng, thanh tao mang đậm chất tâm linh. Ghé chùa lễ Phật trong làn hương khói thơm với không gian uy nghiêm, thanh vắng, tiếng chuông ngân khiến tâm hồn ai cũng thanh thản và bình yên.

Cùng thưởng thức video Chùa Hải Tạng tại đây bạn nhé!